Thứ Ba, 29 tháng 9, 2015

Bóng đá Việt Nam: gieo hạt nào, hái quả đó

Nhiều năm nay, bóng đá Việt Nam cứ lặp đi lặp lại một nỗi lo là làm sao để V-League diễn ra một cách suông sẻ và kết thúc an toàn nhưng rồi vẫn còn đấy bộn bề những cái lo. Bên cạnh đó bộ mặt của nền bóng đá nước nhà dường như không thay đổi cũng khiến không ít người băn khoăn. Thế nhưng kết cục này là điều mà ai cũng có thể nghĩ đến.
V-League những vòng đấu cuối liên tục xảy ra những pha chấn thương kinh hoàng. Ảnh: Đình Viên.
V-League những vòng đấu cuối liên tục xảy ra những pha chấn thương kinh hoàng. Ảnh: Đình Viên.
Những ngày tháng 9, cùng với nhịp đập của V-League 2015 đang đi vào hồi kết thì bóng đá Việt Nam cũng nóng lên trên khắp các mặt sân, thậm chí trên từng mặt báo. Tuy nhiên không phải vì V-League quá hấp dẫn, quá kịch tính bởi chỉ có 1/14 đội phải xuống hạng, nhưng điều thu hút sự chú ý của dư luận chính là lối chơi bóng thô bạo bỗng nhiên nở rộ một cách bất ngờ.
Khi mà cả Châu Âu đang bàng hoàng với ca gãy chân của Luke Shaw đội Man United thì tại Việt Nam, người ta cứ tặc lưỡi kêu rằng bên ấy đấm đá gì mà ghê thế. Vậy rồi sau đó, ngay tại Việt Nam, nơi bị xem là vùng trũng của bóng đá thế giới lại liên tiếp xảy ra hai vụ không kém sự rùng rợn như trường hợp của Luke Shaw.
Nếu như Abass bị gãy chân (Dương Thành Hào vào bóng) trong trận cầu căng thẳng của Chung kết cúp Quốc gia (Bình Dương và Hà Nội T&T) thì người ta chẳng hiểu tại sao trong trận đấu vô thưởng vô phạt giữa Sông Lam Nghệ An và Đà Nẵng (không quyết định chức vô địch hay xuống hạng) mà Quế Ngọc Hải cần gì quyết liệt đến mức khiến Anh Khoa chấn thương nặng.
Sau sự việc, Ngọc Hải, Thanh Hào đều đã khóc và ăn năn cho sai lầm của mình. Ăn năn là cần thiết vì chí ít nó cũng khiến nạn nhân cảm thấy an ủi. Thế nhưng thay vì chỉ trích Ngọc Hải, Thanh Hào thì hãy xem rằng họ cũng chỉ là nạn nhân của nền bóng đá này mà thôi. Đã rất lâu rồi nền bóng đá Việt Nam bị chỉ trích chỉ chú trọng thành tích mà không quan tâm đến việc đào tạo đạo đức cầu thủ.
Vì vậy, sau những nạn tiêu cực về bán độ, dàn xếp tỷ số…thì giờ đây có bùng phát nạn bạo lực cũng dễ hiểu mà thôi bởi có lẽ chẳng có bao nhiêu cầu thủ được dạy dỗ bài bản về tinh thần fair-play trong bóng đá. Cho nên trách cầu thủ một thì phải trách những người làm bóng đá đến mười.
Án phạt dành cho những hành vi bạo lực trên sân mà VFF ban ra vẫn chưa đủ tính răn đe. Ảnh: Internet.
Án phạt dành cho những hành vi bạo lực trên sân mà VFF ban ra vẫn chưa đủ tính răn đe. Ảnh: Internet.
Và người ta càng bất ngờ hơn với cái cách phạt của VFF dành cho Ngọc Hải (hoặc cả Thanh Hào sau này) khi bản án có điều khoản người gây tai nạn phải chi trả toàn bộ chi phí cho nạn nhân. Dù chúng ta không đồng tình với kiểu vào bóng thô bạo của Ngọc Hải hay Thanh Hào nhưng thiết nghĩ bóng đá dù sao cũng là môn đối kháng, tai nạn là khó tránh khỏi nên chẳng lý do gì bắt họ phải chịu án kiểu đó.
VFF tự đặt luật, tự phá luận và tạo nên một tiền lệ không tốt khó tránh sau này có những vụ tương tự dễ phát sinh kiện tụng giữa các bên. Trên đã không minh bạch rõ ràng thì dưới làm sao rõ ràng minh bạch cho được. Và cứ như vậy con thuyền bóng đá Việt Nam cứ đi, sai đâu sửa đó nhưng tiếc rằng sai cứ sai hoài và con đường phía trước vẫn cứ mịt mù.
Trồng một cái cây phải 10 năm mới thu được kết quả, còn lợi ích của việc trồng người là 100 năm. Nhưng bóng đá Việt Nam dường như bỏ phế chuyện trồng người mà vẫn muốn thu về những kết quả tốt thì làm sao mà có được. Trồng cà được cà, trồng đậu được đậu, cho nên khi giao hạt giống không tốt thì quả thu được cũng kém chất lượng mà thôi.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét